Kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế 29/06/2021 08:19:00 28003

Lê Minh Hương

Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam đang thăng hạng do Việt Nam nằm trong số rất ít các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% GDP trong năm 2020 và được đánh giá một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V. Tiếp nối dư địa này, kinh tế Việt Nam 2021 được nhận định sẽ tăng trưởng khả quan ở mức 6,5 – 7% nhờ việc duy trì các động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư.

1. Kinh tế Việt Nam thăng hạng

Trong bảng xếp hạng về Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam thăng hạng liên tục. Năm 2019, trong tổng số 129 nền kinh tế được đánh giá, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt khi tăng từ vị trí 52 lên 42 trong tổng số 129 quốc gia. Năm 2020, mặc dù trải qua một năm kinh tế đầy biến động, nhưng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn duy trì được thứ hạng khi xếp thứ 42/131 nền kinh tế và xếp thứ 3 trong ASEAN. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc thăng hạng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2020 thêm 2 bậc so với năm 2018, xếp hạng 86 trên tổng số 193 quốc gia và xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các chỉ số về môi trường kinh doanh theo bảng xếp hạng về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2016 – 2020 tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia; năng lực cạnh tranh toàn cầu theo xếp hạng của WEF giai đoạn 2018 – 2020 tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia.

Năm 2020, Việt Nam cũng ghi dấu ấn tượng khi lần đầu tiên có mặt trong danh sách các nền kinh tế “tự do trung bình” trong xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế do Quỹ Di sản công bố (2021) chủ yếu nhờ tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Hiện Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Trong khi đó, theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN thăng hạng. Brand Finance nhận định, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm 2020 đã tăng phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam. Trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019, mức tăng nhanh nhất thế giới. Nhờ đó, giá trị thương hiệu Việt Nam đã tăng 9 bậc so với cùng kỳ và đạt thứ hạng 33 trên thế giới.

Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Đây là mức tăng nhanh nhất ở nửa trên của chỉ mục và Việt Nam đã thay thế vị trí của Thái Lan trong top 10.

Trong tháng 3/2021, Moody’s đã giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3, nâng triển vọng từ Tiêu cực lên Tích cực, tăng hai bậc. Thăng hạng trong xếp hạng của Moody’s được Bộ Tài chính khẳng định là “chưa có tiền lệ” trong xếp hạng tín nhiệm của Moody’s trên toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Mới đây nhất, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã thông báo quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”. Việc Moody’s và Fitch Ratings nâng triển vọng cho Việt Nam thể hiện sự tin tưởng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với điều hành chính sách hiệu quả của Chính phủ, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cũng như dư địa tài khóa ngày càng vững chắc.

Sự thăng hạng của kinh tế Việt Nam trên các bảng xếp hạng là do trong giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam đã duy trì được các động lực tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2016 – 2020 được đánh giá là giai đoạn hội tụ các thành tựu phát triển kinh tế – xã hội cao nhất và toàn diện nhất của Việt Nam, với nền kinh tế cải thiện tích cực cả về quy mô và chất lượng; quan hệ quốc tế mở rộng, vị thế được củng cố và nâng cao. Việt Nam không chỉ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô mà còn đạt được những thành tựu quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài…

Quy mô và chất lượng nền kinh tế ngày càng cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8%/năm, hệ số ICOR giảm xuống còn khoảng 6,1. Năm 2020, kinh tế Việt Nam có quy mô thứ 40 trên thế giới, thứ 4 trong ASEAN và bình quân GDP/người đứng thứ 6 trong ASEAN.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. CPI bình quân dưới 5% trong 7 năm liền (2014 – 2020). Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối năm 2020 đạt hơn 90 tỷ, tăng 62 tỷ so với năm 2015.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; đặc biệt, xuất siêu liên tục trong giai đoạn 2016 – 2020 và năm 2020 đạt hơn 19,1 tỷ USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng lên khoảng 50% năm 2020. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ khu vực trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác.

Năm 2020, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do – FTA (năm 2020 phê chuẩn và triển khai hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP và ký FTA Việt Nam – Anh), đang đàm phán hai FTA; có 79 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường… Các tổ chức quốc tế kỳ vọng các thỏa thuận thương mại sẽ củng cố hơn nữa vị thế cạnh tranh của Việt Nam đối với những sản phẩm có giá trị thấp như giầy dép và hàng may mặc.

Việt Nam thăng hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu một mặt phản ánh những ghi nhận của tổ chức quốc tế đối với kết quả thực hiện mục tiêu “kép” năm 2020; đồng thời cũng thể hiện sự kỳ vọng, tin tưởng của các tổ chức, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Việt Nam.

2. Dự báo tích cực cho kinh tế Việt Nam năm 2021

Trong quý I/2021, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng Việt Nam đã làm tốt công tác phòng, chống dịch. Nhờ vậy, kinh tế Việt Nam khởi đầu năm 2021 trên một nền tảng vững vàng với sản xuất và kinh doanh đều ở mức tăng trưởng dương. GDP quý I/2021 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 đến từ các hoạt động xuất – nhập khẩu được đẩy mạnh, cũng như các hoạt động đầu tư, bao gồm cả đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục xu hướng tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 22% so với cùng kỳ – mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD – là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách trong tháng 3 tăng mạnh, cao hơn 2 tháng đầu năm. Tính đến ngày 31/3/2021, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 60.750 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và quý I/2021 cho thấy kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong dịch Covid-19. Động lực và kỳ vọng phát triển kinh tế năm 2021 của Việt Nam trước hết dựa trên những thành tựu chống dịch Covid-19, đà tăng trưởng kinh tế dương năm 2020 và quý I/2021. Bên cạnh đó, sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII với sự đồng thuận, tin cậy của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, năng lực, uy tín quản lý nhà nước và sự năng động, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm mới từ lớp cán bộ mới “đủ tâm, đủ tầm” đang kỳ vọng tạo những đột phá toàn diện, sâu sắc hơn trên hành trình đổi mới và hiện đại hóa ở Việt Nam, tạo bước chuyển mình cho kinh tế Việt Nam. Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính lớn đều rất khả quan. Trong đó, cả hai tổ chức Moody’s và Fitch Ratings đều cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn đầy hứa hẹn, nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ công, nợ chính phủ.

Cùng với Moody’s và Fitch Ratings, các dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế cũng đều đánh giá cao triển vọng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất của WB (3/2021)*1, WB dự báo sau hơn một năm trải qua dịch Covid-19, sự phục hồi tại các nền kinh tế trong khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương rất không đồng đều, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam chứng kiến sự phục hồi theo hình chữ V khi sản lượng đã vượt mức trước đại dịch. Trong đó, Việt Nam dự kiến đạt tăng trưởng 6,6% trong năm 2021.

Gần tương đồng với mức dự báo của WB, IMF (3/2021) nhận định bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của nền kinh tế toàn cầu, nhờ nền tảng vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ.

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO 2/2021) đưa ra nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7% năm 2021 nhờ sự hồi phục của nhu cầu bên ngoài, giúp nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng. AMRO khuyến nghị Việt Nam nên hỗ trợ tài khóa lớn hơn nhằm tạo đà cho sự phục hồi kinh tế còn non yếu nếu tăng trưởng suy giảm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ có trọng tâm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các hộ gia đình có thu nhập thấp và tiến hành đánh giá định kỳ tính hiệu quả.

Ngoài ra, một số định chế tài chính lớn cũng đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Điển hình như khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%. Trong khi đó, Ngân hàng United Oversea Bank (UOB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể lên tới 7,1%. Fitch đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục tỏa sáng với mức tăng trung bình 6,5% trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức do dịch Covid-19 đang diễn biến bất thường và kéo dài; kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Trong ngắn hạn, các giải pháp, chính sách thuế cần tiếp tục tập trung thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, du lịch như gia hạn thời hạn nộp thuế miễn, giảm thuế xuất – nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch; chủ động các kịch bản và giải pháp đối phó với áp lực gia tăng nợ xấu ngân hàng và nợ công gắn với khả năng thanh toán nợ vay và nộp thuế của doanh nghiệp.

Trong dài hạn, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc đảm bảo độ linh hoạt chính sách về tiền tệ, dự trữ ngoại hối, cải thiện tài chính công, giảm thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ…; nâng cao năng lực sản xuất và tính độc lập tự chủ trong sản xuất; tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm thông qua việc cải thiện thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, công khai, minh bạch; tham vấn các chuyên gia phân tích, duy trì tiếp xúc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm…

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2020.

2. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2021.

Tiếng Anh

3. Agility (2021), The Agility Emerging Markets Logistics Index 2021, https://logisticsinsights.agility.com/emerging-markets-logistics-index/overview/.

4. Brand Finance (2021), Brand Finance Global Soft Power Index Report 2021, https://brandirectory.com/globalsoftpower/.

5. Global Innovation Index 2019, 2020 (WIPO), https://www.globalinnovationindex.org/Home.

6. Heritage Foundation (2021), Index of Economic Freedom 2021, https://www.heritage.org/index/.

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 7 tháng 4/2021

*1 Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương ngày 26/3/2021.