Đâu là điểm yếu trong chiến thuật của U22 Việt Nam?

Chiến thắng 2-0 trước U22 Lào ở trận ra quân trong chiến dịch bảo vệ chiếc huy chương vàng môn bóng đá nam tại SEA Games 32 của thày trò HLV Phillip Troussier được coi là kết quả không tồi. Nhưng nếu nhìn vào toàn bộ diễn biến của trận đấu, chúng ta thấy những lo ngại về thành tích của U22 Việt Nam tại SEA Games lần này của người hâm mộ là có cơ sở.

U22 Việt Nam chiến thắng nhưng người hâm mộ không thể yên tâm. Ảnh: Cao Oanh

Chúng ta sẽ cùng xem xét các vấn đề ở góc độ chiến thuật của U22 Việt Nam trong trận đấu này.

Đá áp đặt chưa tốt

So với U22 Lào, U22 Việt Nam rõ ràng là cửa trên. Về tương quan lực lượng lẫn xu hướng tư duy bóng đá áp đặt mà HLV Troussier muốn xây dựng cho U22 Việt Nam, đương nhiên người hâm mộ hình dung trận này U22 Việt Nam triển khai lối đá áp đặt.

Đá áp đặt có nghĩa là U22 Việt Nam phải tổ chức phòng ngự chặt chẽ, kiểm soát bóng, kiểm soát khu vực giữa sân. Ngoài ra, U22 Việt Nam cần tổ chức tranh cướp bóng ngay trên phần sân đối phương, sử dụng các tình huống cầm bóng phối hợp, dồn ép các cầu thủ đối phương về phía sân của họ. Tình huống đối phương phòng ngự co cụm quá đông trước khu vực cấm địa, U22 Việt Nam phải sử dụng những pha phối hợp nhỏ phía sân nhà để kéo các cầu thủ đối phương lên cao đuổi bóng, kéo giãn hàng phòng ngự đối phương, tạo ra các cơ hội nhờ khoảng trống cũng như sự xô lệch trong đội hình phòng ngự của họ…

Nhưng trong trận này, rõ ràng các cầu thủ U22 Việt Nam không làm được những điều đó.

Hàng phòng ngự tỏ ra không đủ chặt chẽ

Trước 1 đối thủ cửa dưới như Lào, các cầu thủ hàng phòng ngự U22 Việt Nam không ít lần bộc lộ sơ hở, đặc biệt là khả năng tập trung vào tình huống bóng, phối hợp, bọc lót, hỗ trợ nhau chống đỡ các pha tấn công của đối phương, bảo vệ khung thành. U22 Việt Nam đã may mắn khi không bị thủng lưới trong trận này. Đây là điểm yếu đã bộc lộ trong các trận đấu tập huấn trước giải, và nó phải được điều chỉnh để hạn chế các hậu quả nếu đội bóng muốn vượt qua vòng bảng.

Không tạo được áp lực đủ lớn lên hàng phòng ngự đối phương

Khi pressing, các cầu thủ bên đuổi bóng phải tổ chức phong tỏa trên toàn bộ bề mặt sân đối phương, bắt chặt mọi cầu thủ đối phương, truy cản, tranh cướp bóng quyết liệt với cầu thủ đang cầm bóng, ép họ phải thực hiện các đường chuyền dài thiếu kiểm soát hướng lên trên hoặc phá bóng thay vì thực hiện các pha phối hợp nhỏ kiểm soát bóng. Để làm điều này đòi hỏi toàn bộ hàng tấn công bên đuổi bóng phải tập trung, phối hợp bắt người.

Nhưng trong trận này, các cầu thủ tấn công U22 Việt Nam không làm được như vậy. Họ tỏ ra thiếu quyết tâm trong việc pressing và chưa tạo được sức ép đủ lớn để làm cho hàng phòng ngự U22 Lào phải lúng túng dẫn đến xảy ra sai lầm.

U22 Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế dù đối thủ chỉ là U22 Lào. Ảnh: Lê Giang

Kiểm soát bóng không tốt hơn đối phương

Dễ nhận thấy nhất là khả năng kiểm soát bóng và khả năng thoát pressing của U22 Việt Nam chưa tốt. Về thời gian cũng như chất lượng kiểm soát bóng, các cầu thủ U22 Việt Nam không vượt trội so với đối thủ.

Trong trận này, khi các hậu vệ U22 Việt Nam tổ chức đưa bóng lên, có rất nhiều các tình huống họ bị các cầu thủ Lào dâng lên bắt người, đẩy vào thế bí, dẫn đến nhiều đường chuyền hỏng, mất bóng. Chúng ta hay được nghe khái niệm “Kéo giãn hàng phòng ngự đối phương”. Thuật ngữ này dùng để chỉ khi đối phương co cụm phòng ngự trước khu vực cấm địa, 1 đội bóng chủ động kéo bóng về sâu trên sân nhà phối hợp để kéo các cầu thủ đối phương lên.

Rõ ràng, trong trận này, các cầu thủ U22 Việt Nam đã không cần phải kéo giãn hàng phòng ngự đối phương. Họ không phải đối mặt với 1 hàng phòng ngự co cụm khi các cầu thủ Lào chủ động dâng lên và họ đã không tận dụng được điều đó.

Các miếng phối hợp tấn công không đa dạng, thiếu đột biến

Không biết ông Trousier có giấu bài hay không, nhưng rõ ràng các pha phối hợp tấn công của U22 Việt Nam khá đơn điệu và thiếu đột biến. Sau khi cầm bóng, kiểm soát bóng, cả thoát được pressing nếu có thể, bóng được đưa lên gần vạch giữa sân. Từ đó là các đường chuyền cự ly trung bình và dài cho tiền đạo. Có rất ít các pha phối hợp bật tường trung lộ, các pha phối hợp nhỏ, ít chạm của các tiền vệ tấn công và tiền đao. Số ít ỏi các pha phối hợp nhỏ đó diễn ra cũng khá vụng về, thiếu nhuần nhuyễn, kiểu như cầu thủ chuyền bóng xong rồi, thay vì lập tức di chuyển để sẵn sàng nhận bóng thì lại đứng tại chỗ nhìn đồng đội xoay sở. Nó giống với các pha phối hợp ngẫu hứng của nhóm các cầu thủ tấn công thời điểm đó hơn là kết quả của 1 miếng đánh được trau dồi qua các buổi tập.

U22 là lứa các cầu thủ trẻ, đặc điểm của các cầu thủ trẻ là phong độ thi đấu không đều do chưa đủ kinh nghiệm thi đấu, chưa đủ khả năng điều tiết tâm lý thi đấu và phân phối sức trong trận đấu, dẫn đến thực tế là ngay sau 1 trận đấu không tốt, họ có thể sẽ có 1 trận thi đấu hay. Nhưng các vấn đề liên quan đến chiến thuật của 1 đội bóng trẻ lại rất khó có thể khắc phục một cách nhanh chóng. Sẽ rất khó khăn để ông Trousier và các đồng sự trong ban huấn luyện có thể khắc phục những điểm yếu về mặt chiến thuật nói trên ngay trong các trận đấu tiếp theo ở giải đấu này.