Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: "Ít nhất 2 năm tới, phim Việt vẫn từ lỗ tới lỗ"

  • Nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu: Nghiệp văn đã chọn

Trong cuộc đối thoại cuối tuần này, anh nói nhiều về thị trường phim rạp, về những câu chuyện hậu trường có khi khác xa với những điều mà truyền thông lắm lúc “thổi phồng”. Một góc nhìn bao quát và thẳng thắn!

“Tuổi thọ” phim Việt ra rạp ngắn

– Là người hoạt động trong ngành này nhiều năm, ít nhiều anh cũng có một hình dung nào đó về bức tranh toàn cảnh của thị trường phim rạp hiện nay chứ?

+ Tôi cho rằng, đó là một bức tranh sáng sủa, phong phú và nhiều mảng màu. Nhiều năm trước, theo quan sát của mình, thường mỗi tuần chỉ có 2-3 phim. Làm phép tính nhẩm thì một năm có khoảng trên dưới 100 phim.

Bây giờ, cùng với việc các nhà nhập khẩu, phát hành phim khá nhiều, hệ thống rạp càng ngày càng được nhân ra, và được nâng cấp với những cái tên như CGV, Galaxy, BHD, Platium, Saigon media, Green Media… thì trung bình một tuần ít nhất có 3 buổi dành cho phim lớn, chưa kể phim nhỏ.

Một năm 365 ngày thì số lượng phim rơi vào khoảng 250 – 300 phim. Có những tuần ra rạp 7-10 phim. Cũng có những tuần ít hơn, từ 3-4 phim. Cân đối lại, một tuần không ít hơn 4-5 phim (cả phim lớn, cả phim nhỏ).

– Trong bức tranh toàn cảnh đó, “tuổi thọ” của phim Việt ra rạp thì sao? Tôi để ý thấy rằng, có không ít bộ phim ra được vài ngày rồi lặn tăm không dấu vết…

+ Thực ra, thị trường chúng ta đang có một nghịch lý thế này, ai cũng cho rằng khi rạp phát triển, thì đương nhiên, doanh thu phim sẽ tăng. Kiểu 1+1=2. Lẽ thường là thế. Nhưng câu chuyện bây giờ không phải vậy. Trước đây, chúng ta có một bộ phim Việt ra rạp đạt do-anh thu 50-60 tỷ là chuyện bình thường.

Nhưng câu chuyện thị trường phim một năm rưỡi trở lại đây, để một phim đạt doanh thu 25 – 30 tỷ là điều cực kỳ khó khăn. Số lượng phim đạt doanh thu 35 – 40 tỷ trong năm 2016 vừa qua không có bao nhiêu, đếm trên đầu ngón tay. Phim 5-7 tỷ thì nhiều lắm nhưng rõ ràng như thế là lỗ.

Nếu ngày xưa, do số lượng phim ít nên các rạp cố gắng giữ suất chiếu tốt trong vòng một tuần hoặc khoảng 10-15 ngày. Nhưng bây giờ không phải thế. Sau vài ngày, các rạp đã điều chỉnh suất chiếu một lần, thậm chí, sau một ngày đã phải điều chỉnh rồi. Phim nào doanh thu tốt sẽ tăng suất chiếu lên, và ngược lại. Rất linh động, phụ thuộc vào tỷ suất đến rạp của khán giả. Sự cạnh tranh rất là lớn. Việc “sủi bọt” mà bạn nói là lẽ tất nhiên.

– Theo anh, nguyên nhân của việc phim Việt chúng ta ra rạp và “rớt” khách như thế là gì?

+ Có một thực tế là, khán giả Việt Nam càng ngày càng có kiến thức hơn về việc xem phim. Họ hiểu hơn về điện ảnh. Họ đã biết xem phim một cách chọn lọc thay vì việc tin hoàn toàn vào những thông tin mà truyền thông “thổi phồng” như trước đây. Ta có thể lừa họ một lần, hai lần, nhưng lần ba thì không lừa được họ nữa. Họ sẽ đến rạp vì bộ phim đó hay, chứ không phải vì bộ phim đó được quảng bá tốt, rầm rộ trên báo chí nữa.

Cái quan trọng là bạn làm ra một bộ phim dở và sau đó các bạn than là tại sao rạp không chiếu phim cho các bạn? Rồi nếu chiếu, lại xếp suất chiếu không đẹp? Rồi tại sao khán giả không ủng hộ, không chia sẻ phim?

Xin lỗi, khán giả thông minh có đủ hạng người, từ người bình dân, tới trí thức, thậm chí là những người nghệ sỹ, những người tài năng mà trong lĩnh vực của họ, họ là số một. Vậy thì, các bạn đừng nói khán giả không hiểu, không ủng hộ các bạn. Lý do rất đơn giản – đó là phim của các bạn dở mà thôi.

Chúng ta đã từng có “Quả tim máu”, “Để mai tính”, “Long ruồi”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay một bộ phim được Việt hóa là “Em là bà nội của anh”, đạt doanh thu từ 70-100 tỷ đồng.

Tại sao bây giờ có một bộ phim nào đạt 50-60 tỷ đã khó khăn như thế? Trong khi cách đây 3-4 năm, thị trường phim rạp của chúng ta đã làm được điều đó rồi. Bây giờ, số lượng rạp nhiều hơn, khán giả đến rạp nhiều hơn, khán giả của tỉnh đến rạp cũng nhiều hơn. Sao doanh thu lại cứ èo uột như thế?

Câu chuyện quan trọng nhất bây giờ chính là chất lượng bộ phim. Tôi vẫn cho rằng, nếu bộ phim đó hay thì thời điểm hiện tại chính là cơ hội để đạt doanh thu cực kì tốt.

Thị trường phim rạp đang hỗn loạn

– Chúng ta đã có thời tin vào các “ông hoàng” phòng vé, đã có thời đến rạp vì một cái tên hot – “bảo chứng” cho thành công của cả bộ phim. Nhưng bây giờ, có vẻ câu chuyện đã khác?

+ Đó là lí do mà vì sao tên tuổi anh Hoài Linh với “Rừng xanh kì lạ truyện” chiếu trong dịp Tết vừa rồi có doanh thu thấp, mặc dù được quảng bá không kém phần rầm rộ. Hoặc trước đó là anh Thái Hòa với bộ phim “Fan cuồng”…

Mấy năm trước, ta cứ nghĩ, phim nào có anh Hoài Linh, đương nhiên sẽ “thắng”. Vì trước đây, chưa có phim nào Hoài Linh xuất hiện mà “thua”. Đó là một thực tế. Nhưng Tết vừa rồi là một cái cột mốc để mọi người nhìn lại, ngay cả bản thân anh Hoài Linh, tôi nghĩ chắc cũng nhận ra…

Khán giả đã đủ thông minh để ra rạp không vì duy nhất cái tên anh Hoài Linh trên poster phim nữa. Tất nhiên, cũng có những người vì anh Hoài Linh mà đến rạp nhưng tôi cho rằng, con số đó không nhiều như trước.

Tôi chỉ dẫn ra một ví dụ cụ thể như thế để thấy rằng, những cái tên từng “bảo chứng” cho phòng vé thì nay chưa chắc đã “bảo chứng” nổi. Suy cho cùng, vẫn là câu chuyện chất lượng bộ phim. Số lượng rạp tăng lên nhưng chất lượng phim dở thì xin lỗi, các bạn vẫn lỗ như thường.

– Trong dòng chảy cạnh tranh khốc liệt đó, tôi tò mò không biết phim tài liệu có đất sống không? Sau khi 2 phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân”, và mới đây có phim “Chuyện ngày hôm qua” về ban nhạc Bức Tường công chiếu, đã có người lạc quan về việc phim tài liệu ra rạp đấy…

+ Khi những bộ phim này công chiếu thì nhiều người đều trong cơn cao hứng, nhất là giới truyền thông cho rằng, khán giả Việt Nam bắt đầu quay lại với phim tài liệu (vì khán giả đến với rạp rất đông). Nhưng các bạn phải nhớ một điều, những câu chuyện đó là những câu chuyện cá biệt.

Ví dụ ở “Lửa Thiện Nhân”, đó là bi kịch của một cháu bé, một trường hợp rất hiếm hoi. Trước khi phim ra rạp, câu chuyện này đã được người ta nhắc đến nhiều, bản thân người đi xem họ muốn hiểu hơn câu chuyện đó, muốn hiểu hơn về Thiện Nhân, về mẹ Mai Anh của Thiện Nhân.

Còn “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, là câu chuyện của một người thuộc giới tính thứ 3. Họ có cuộc đời trắc trở và cuối đời họ chết. Đó là bi kịch của con người và nó thật. Hay như câu chuyện về ban nhạc Bức Tường cũng thế, nhất là sau hành trình chiến đấu với bệnh tật của thủ lĩnh nhóm nhạc là nhạc sỹ Trần Lập đã truyền đi thông điệp sống rất mạnh mẽ…

Đó là những câu chuyện cá biệt, không mang tính phổ thông. Và may mắn là nó có một sự lan tỏa lớn từ mạng xã hội. Còn những câu chuyện sau này, có thể không phải nó không hay nhưng người ta chưa biết đến nó nhiều. Hai là có thể, đó chưa phải là một bi kịch lớn.

Tôi cho rằng, nhìn chung, phim tài liệu không có cơ may nào ở thị trường phim rạp Việt Nam, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Chúng ta không nên nhìn những trường hợp cá biệt trên để thấy một tín hiệu lạc quan về phim tài liệu. Phim tài liệu vẫn chỉ là một dòng chảy ngầm vào lúc này…

– Chúng ta đang có 2 đạo diễn nổi tiếng về dòng phim độc lập là Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp, được quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao. Việc ra rạp đối với dòng phim này chẳng lẽ không có tín hiệu gì lạc quan ư?

+ Không có đất sống ở thị trường phim chiếu rạp Việt Nam. Tôi vẫn xem những người đó là những nhà làm phim có đam mê, nhiệt huyết. Nnưng theo tôi được biết, Phan Đăng Di hay Nguyễn Hoàng Điệp sống được không phải bằng phim. Họ phải làm những việc khác nhau để có tiền nuôi đam mê của mình.

Nhân nói cái này, tôi lại nói thêm về “gu” xem phim 2 miền cũng khác nhau. Những bộ phim của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp hay ai đó có thể được khán giả Hà Nội khen nhưng chiếu trong Nam khán giả rất ít. Và ngược lại, cũng có những bộ phim trong Nam thành công nhưng không chinh phục được khán giả miền Bắc. Đó là một thực tế.

Một bộ phim của người Việt, từ diễn viên, đạo diễn, kịch bản đều là người Việt mà khán giả miền này, miền kia đã đối chọi nhau về mặt thị hiếu rồi, thì hi vọng làm gì một bộ phim hài lòng hai miền? Có bao nhiêu bộ phim làm được điều đó?

Các bạn không thể đổ lỗi cho khán giả được. Tại sao một bộ phim nước ngoài, khán giả từ Hà Nội cho tới Cà Mau vẫn đi xem bình thường; mà bộ phim Việt Nam của các bạn, người ta không đi xem. Tại sao khán giả miền Nam không đi xem phim miền Bắc, và ngược lại?

Đừng trách khán giả. Khán giả không đến xem phim các bạn, đó là lỗi của các bạn. Bởi câu chuyện anh tạo ra không chạm được cảm xúc người ta. Anh chỉ chạm được cảm xúc của người miền này mà không chạm được cảm xúc của người miền kia. Đó là lỗi của anh. Tại sao “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, khán giả miền Bắc xem vẫn khen, khán giả miền Nam xem vẫn thích, miền Trung cũng xem. Suy cho cùng là tài năng của đạo diễn, của những người tạo nên bộ phim ấy.

– Theo anh, thị trường phim rạp ở nước ta trong mấy năm tới phát triển như thế nào?

+ Trong hình dung của tôi về thị trường trong năm nay, năm tới nữa, số lượng nhà sản xuất vẫn sẽ xuất hiện nhiều. Tay ngang rẽ bước sang điện ảnh cũng rất nhiều. Có những diễn viên đi học đạo diễn 4-5 tháng gì đó rồi cũng làm phim cũng không ít.

Số lượng đạo diễn không tên tuổi xuất hiện cũng nhiều, số lượng những người nhảy từ truyền hình sang điện ảnh cũng nhiều. Và ít nhất, trong 2 năm tới, phim Việt ra rạp vẫn từ lỗ tới lỗ. Nhiều khi nói vui với những người trong nghề, thực ra đó là một tín hiệu tốt. Để những người làm phim sau này, định hình được rõ thực tế.

Thị trường chúng ta đang hỗn loạn. Nhưng không “chết yểu” nhé. Trong vòng 10-15 năm nữa, theo tôi, phim ảnh vẫn là ngành đứng số một về nhu cầu giải trí ở nước ta.

Phim vẫn còn phát triển. Rạp vẫn còn phát triển. Rạp ở các tỉnh sẽ tăng thêm. Và phim Việt Nam ra rạp, tôi nghĩ, sau khoảng vài năm nữa, mới bắt đầu định hình lại được, căn cơ hơn. Tuy nhiên, để phát triển đến một mức nào đó, vẫn còn một hành trình dài.

– Cảm ơn nhà báo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt!